Quy Định Về Thừa Kế Theo Pháp Luật

Quy định về Thừa kế theo pháp luật được quy định như thế nào? Những ai có quyền được hường thừa kế theo pháp luật? Các trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật? Và các vấn đề liên quan đến Thừa kế theo pháp luật bao gồm những gì? Để giải đáp những thắc mắc trên, tại bài viết dưới đây, QR Law sẽ làm rõ điều này.

Thừa kế được hiểu như thế nào?

Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản

Người được hưởng thừa kế theo pháp luật gồm những ai?

Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân, những người có quyền thừa kế di sản của người chết theo quy định của pháp luật. Người được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

–  Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Quy định về các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Căn cứ điều 650 Bộ luật dân sự 2015 thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Trường hợp thứ nhất: Không có di chúc;
  • Trường hợp thứ hai: Di chúc không hợp pháp;
  • Trường hợp thứ ba: Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Trường hợp thứ tư: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

  • Phần di sản không được định đoạt trong di chúc
  • Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Thừa kế thế vị

Quy định về chia thừa kế theo pháp luật (Hình ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thừa kế là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp người thừa kế không còn sống vào thời điểm mở thừa kế (chết trước hoặc chết cùng với người để lại di sản).

Để đảm bảo quyền lợi cho những người có quan hệ huyết thống trực hệ trong phạm vi gần gũi, điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Việc thừa kế thế vị được quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của cháu, chắt, đảm bảo quyền lợi của họ khi cha, mẹ họ đã chết trước hoặc hết cùng thời điểm với ông, bà. Việc xác định người thừa kế thế vị phải dựa trên những căn cứ sau:

– Con, cháu của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản.

– Con của người để lại di sản có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật của bố, mẹ nếu còn sống vào thời điểm bố, mẹ chết. Nếu con là người bị tước quyền hưởng di sản thì cháu không được hưởng thừa kế thế vị thay cha, mẹ của cháu đối với di sản của ông, bà.

Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

Theo điều 653, con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được hưởng thừa kế di sản của nhau và còn được hưởng thừa kế di sản theo quy định tại điều 651 và 652 Luật dân sự 2015. Tức là, trong trường hợp con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được hưởng thừa kế di sản của nhau và cháu của con nuôi cũng được hưởng thừa kế thế vị thay cha nuôi, mẹ nuôi nếu họ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông, bà nuôi.

Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Theo quy định tại điều 654 Luật dân sự 2015 thì con riêng của vợ, của chồng đối với cha kế, mẹ kế thì được hưởng thừa kế theo pháp luật nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng được thể hiện ở những mối quan hệ sau: Không có sự phân biệt đối xử giữa con riêng của vợ của chồng với các con chung của họ, cha kế, mẹ kế coi con riêng như con ruột của mình và không dừng lại ở mặt hình thức mà còn thể hiện ở nghĩa vụ yêu thương, nuôi dưỡng, giáo dục các con, chăm lo việc học tập và phát triển lành mạnh của con về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Vì thế người con của con riêng này cũng được thừa kế thế vị. Sự thể hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo luật định hay tự nguyện có trách nhiệm và công bằng giữa cha kế, mẹ kế với con riêng của vợ, của chồng là căn cứ xác định thừa kế thế vị cho những người con của con riêng.

Quy định về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng chia tài sản chung; vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác

Điều 655 Luật dân sự 2015 quy định về vấn đề này như sau:

  • Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
  • Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
    chia thua ke theo phap luat – qr law

Truất quyền thừa kế

Truất quyền thừa kế được thể hiện ở việc người để lại thừa kế không cho người thừa kế hưởng di sản của mình. Người để lại di sản có quyền chỉ định rõ ai được hưởng di sản, cũng như ai không được hưởng di sản mình để lại mà không cần nên bất kỳ lý do gì. Tuy nhiên, tại điều 644 Luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, con chưa thành viên, cha, mẹ, vợ, chồng và con chưa thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng 2/3 suất di sản của một người thừa kế theo pháp luật, nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng di sản ít hơn 2/3 đó. Có thể thấy, truất quyền thừa kế là quyền của người để lại di sản. Tuy nhiên quyền này bị hạn chế bởi quy định pháp luật để có thể dung hòa lợi ích của mọi người.

Trên đây là bài viết hỗ trợ tư vấn Quy định pháp luật về thừa kế theo pháp luật. Hi vọng sẽ giúp quý độc giả giải đáp được thắc mắc của mình khi gặp các tình huống liên quan đến thừa kế, thừa hưởng di sản.

  • Công ty Luật TNHH QR Law
  • Địa chỉ: 87 Xương Giang, Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang;
  • SĐT: 0868 878 694
G

Tư Vấn Miễn Phí